Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 1 2024

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TẾT CỔ TRUYỀN NGUYÊN ĐÁN CỦA VIỆT NAM

                
    Tết Nguyên Đán là một trong những cái tết cổ truyền lớn nhất trong năm (Âm lịch) ở một số nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước tiên ta cần hiểu thêm về ngữ nghĩa của cụm từ này.
         Theo một số học giả thì từ tết được bắt nguồn bởi từ “tiết” trong từ vựng Hán-Việt - tức là theo các tiết trong năm. Từ “tiết” này dần dần được đọc trệch đi thành từ tết. Còn Nguyên Đán, đó là từ ghép giữa 2 từ Hán-Việt: Nguyên là khởi đầu, Đán là buổi sáng sớm - Tức là khởi đầu của buổi sáng sớm đầu tiên, ngày đầu tiên của năm nông lịch. Tuy nhiên, cho đến nay trong chúng ta cũng còn nhiều người chưa hiểu được tết Nguyên Đán của Việt Nam có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Vì vậy không ít người cho rằng, đây là cái tết cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bởi vì, lịch sử của Trung Hoa có viết là từ thế kỷ thứ nhất (sau Công Nguyên), Nhâm Diên và Tích Quang - quan của nư­ớc Trung Hoa sang Việt Nam, truyền cho dân Việt biết làm ruộng và một số sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Nhưng thực tế lại chứng minh, trước khi người Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có văn hóa nền nếp của vùng nông nghiệp lúa nước và đã có việc tổ chức ăn tết Nguyên Đán theo phong tục đặc sắc của mình. Dựa vào lịch sử dựng nước của người Việt thì họ Hồng Bàng (Kinh Dương Vương) dựng nước từ năm Nhâm Tuất (2.879 trước Công nguyên). Vua Hùng là con trai của Lạc Long Quân và là cháu nội của Kinh Dương Vương. Đến đời vua Hùng thứ 6, nhà vua đã truyền ngôi cho con trai thứ 18 là Lang Liêu, vì Lang Liêu được vua cho là người con hiền đức, có tài trị vì đất nước và đặc biệt là đã làm ra sính lễ tết cổ truyền dâng lên vua cha từ sản vật nông nghiệp, mang biểu trưng của cha (Trời là bánh dày tròn) và mẹ (Đất là bánh chưng vuông). Đất ở đây không có nghĩa là trái đất, mà là những mảnh ruộng vuông vắn - nơi người dân trồng cây lúa nư­ớc để nuôi sống chính mình. Bánh giày tượng trưng cho trời tròn cũng không có nghĩa là bầu trời hình tròn, mà là hệ vòng quay 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông liên tiếp. Còn ngư­ời Hoa lại giải thích vạn vật qua những hệ số, bói toán trừu t­ượng, đôi khi như­ ma thuật rất xa xôi, khó hình dung. Như vậy có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam đã hình thành từ rất lâu, trư­ớc thế kỷ thứ nhất (sau Công Nguyên) - nghĩa là trước khi người Trung hoa sang truyền bá văn hóa và hoàn toàn chứng tỏ không phải do ngư­ời Hoa khai hoá hay đồng hoá. Tuy nhiên, do cùng nằm chung vùng lục địa, lại nằm kề nhau nên không thể không mang những ảnh hư­ởng văn hóa của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ nư­ớc ta nhiều năm liền, những ảnh h­ưởng đó càng có phần nhiều hơn. Song về cơ bản thì bánh chư­ng, bánh dày là hoàn toàn đặc tr­ưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ truyền có thể thiếu câu đối đỏ nhưng không thể không có bánh ch­ưng xanh để cúng tế tổ tiên.
          Tuy nhiên, trong các sách viết về văn hóa Việt Nam đều cho rằng vào thời cổ, năm mới ở phương Nam bắt đầu từ tháng Tí, tức tháng Một (tháng 11 âm lịch), về sau do ảnh hưởng của Trung Hoa ta mới lấy tháng Dần (tháng Giêng năm âm lịch) làm tháng đầu năm. Đến nay cũng vẫn còn một vài dân tộc thiểu số và một số vùng ở Việt Nam duy trì tục đón năm mới vào tháng Tí. Đây cũng là điều bình thường, vì một số cộng đồng quốc gia ở gần nhau thường có sự giao thoa về văn hóa. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc xác định mốc đầu năm, song Tết cổ truyền Việt Nam vẫn mang trọn vẹn đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
          Về đặc trưng đối với tết Nguyên Đán cổ truyền của Việt Nam, đó là nếp sống cộng đồng. Trước và sau ngày tết chính (ngày mùng 1) đã diễn ra những hoạt động như 23 tháng chạp – lễ tiễn ông Táo lên chầu trời, người dân bắt đầu nô nức đi chợ tết. Sau đấy là chung tay mổ lợn, gói bánh chưng, dọn dẹp, trang trí nhà cửa; sửa sang quét dọn mộ phần của tổ tiên, ông bà…và khấn mời hương hồn người thân đã khuất quy tụ về linh sàng, để con cháu được tri ân công đức.
Đây cũng là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ mọi thành viên trong gia đình; con cháu dù đi làm ăn xa bao nhiêu cũng cố gắng có mặt sum họp vào dịp này.
Tục chúc Tết cũng có nhiều sắc thái, đó là sự bày tỏ tình thương yêu thắm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý qua lời chúc. Từ quan niệm “có thờ có thiêng - có kiêng có lành”, người Việt còn rất coi trọng tục xông đất ngày Tết, đây là việc làm có ý nghĩa và trang nghiêm. Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả đem sự may mắn đến nhà. Do đó, mọi người cũng cân nhắc kĩ về nhân phẩm, chức phận, cũng như tính tình, vận hạn khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm. Người đến xông nhà thường chỉ đến thăm, chúc mừng khoảng chừng năm đến mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của gia chủ được hanh thông, trôi chảy.
 Trước đây tết Nguyên Đán cũng chỉ gói gọn trong 3 ngày là mùng một, mùng hai, mùng ba. Trong ba ngày tết, việc chúc tết với đấng sinh thành, dưỡng dục cũng được quy định tuần tự như sau: “Mồng một là Tết nhà cha”, sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi, chúc Tết. Với bề trên, để mừng tuổi con cháu cũng là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt con trẻ. “Mồng hai nhà mẹ”, vợ chồng, con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm gia đình. “Mồng ba Tết thầy”, sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục đẹp, nói lên tư cách đạo đức và truyền thống “tôn sư trong đạo” của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, phát huy từ truyền thống tri ân các thế hệ tiền bối, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh ngiệp và các tổ chức xã hội cũng nhân dịp này tổ chức gặp mặt, giao lưu, tặng quà thể hiện sự tôn kính đối với những người thuộc thế hệ thế hệ đi trước đã được nghỉ theo chế độ.
Từ quan niệm, tết Nguyên Đán là một mốc thời gian chuyển giao của 1 năm; giao thừa được coi như phút giao hòa trời - đất, nó thiêng liêng và ảnh hưởng đến cả một năm mới tiếp theo. Từ quan niệm “vạn sự khởi đầu nan” mà mọi người đều muốn làm tất cả những gì tốt đẹp trong thời khắc thiêng liêng, trang trọng này. Ngoài các tục lệ như đã nói trên đây thì cũng còn những việc làm chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, như chọn hướng xuất hành, hái lộc đầu năm… đều được mọi người chọn và thực hành với niềm tin tâm linh, cẩn trọng. Ví như việc xuất hành, là sau giây phút giao thừa, mỗi gia đình thường cử một người xuất hành (bước ra khỏi nhà) trong giây phút mới mẻ ngày đầu năm. Xuất hành phải xem lịch để chọn hướng tốt, hợp với tuổi của mình, ngụ ý để mang đến điều may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà trong năm mới. Sau khi xuất hành xong, người ta có thể quay về tự xông nhà. Việc hái lộc cũng vậy, nhân trong lúc xuất hành, người xuất hành có thể bứng một chút lộc non từ một cây trên đường đi, mà đó là cây khỏe mạnh, xanh tốt để coi đó như nguồn công lực đưa về đặt lên bàn thờ. Hy vọng sẽ là nguồn bồi bổ sức khỏe cho cả gia đình trong năm mới. Hành động này hoàn toàn khác biệt với cách bẻ cành, chặt tán thô bạo của một số người cũng gọi là “hái lộc” ngày nay.
Tết Nguyên đán là một phong tục cổ truyền thấm đậm bản sắc dân tộc; là lễ hội cổ truyền lớn nhất, thiêng liêng nhất đối với người Việt Nam. Điều ấy ai cũng biết. Nhưng từ trong sâu thẳm của người Việt ngày nay dường như ai cũng thấy còn gợn lên sự trăn trở, vì Tết nay còn có những điều không giữ được sự trong sáng như xưa. Có những phong tục giờ đây đã bị biến tướng dẫn đến hành vi tiêu cực.
Thiết nghĩ, cuộc sống hôm nay tuy có khác nhiều so với ngày xưa cả về vật chất và tinh thần, nhưng người Việt Nam ta thì mãi mãi vẫn thế, vẫn mang trong mình những tâm hồn, cốt cách, phong tục, tập quán rất đặc trưng. Đó là chỉ có thể phát huy những gì thuộc về giá trị văn hóa, giá trị đạo đức truyền thống do gạn đục khơi trong mà có. Hy vọng rằng trong các phong tục đẹp của tết cổ truyền dân tộc sẽ mãi mãi được gìn giữ, phát huy trong mỗi gia đình và cộng đồng. Tết cứ đến và qua đi cùng quy luật tuần hoàn của đất trời, nhưng hương vị tết Việt Nam thì không bao giờ có thể thiếu trong tâm linh và cuộc sống của mỗi gia định Việt Nam./.

                                                                         Mạnh Nguyên

           

 



CHIM MỒI

 


Hôm nay không phải lão Ngưu sang nhà lão Mõ như mọi khi, mà lão Mõ lại đến với lão Ngưu. Ngồi vắt vẻo trên cái chõng tre dưới gốc cây vải đầu hè, đón ngọn gió nồm nam mát dịu và nhâm nhi chén trà nóng, nheo con mắt ngắm cậu chim ngói đang rỉa cánh trong lồng, lão Mõ buột miệng:

- Cái giống chim thế mà tệ, đã bị bắt nhốt vào lồng rồi mà mỗi lần được chủ đưa ra bãi làm mồi bẫy đồng loại, nó vẫn nghển cổ, xòe cánh dụ gọi, làm cho nhiều đồng loại khác sa lưới.

Lão Ngưu tán thưởng:

- Ừ, có lẽ cái lũ này thân to mà cái đầu nhỏ tí, ít não nên mới thế, nhưng nhờ vậy mà mình mới tóm được lũ chim khác. Chứ nó mà khôn thì nghề bẫy chim của mình có mà thất nghiệp.

Chợt như nảy ra điều gì, lão Mõ cười khẩy:

- Đâu có phải loài chim đầu nhỏ, óc bé mới thế, người cũng đầy bọn “làm mồi”, dẫn dụ đồng loại lao vào những cuộc đỏ đen đến phá sản. Chỉ có khác là lũ chim thì chúng chỉ vô tình bị con người lợi dụng. Chứ con người thì mang tiếng khôn ngoan nhất hành tinh, nhưng chỉ vì hám lợi mà họ bất chấp lừa lọc, dẫn dụ đồng loại đến khuynh gia, bại sản.

Thấy lão Ngưu ngơ ngác vẻ chưa hiểu, lão Mõ giải thích:

- Ông thấy bọn bán hàng đa cấp không, cứ thằng trước bị lừa thì lại cố tìm cách gỡ bằng cách “hót” thật khéo để dẫn dụ thằng sau lao vào. Kết cục là một lũ lừa nhau, mà cái lợi thì chỉ bọn đứng đầu cầm chịch là được hưởng. Tệ hơn nữa là mấy cha, mấy mẹ  “người nổi tiếng”, họ có thiếu thốn gì đâu, nhưng vẫn tận dụng cái sự “nổi tiếng” của mình để đóng vai quản cáo cho các nhãn hàng. Mà buồn thay, phần lớn các nhãn hàng do họ quảng cáo đều không đúng với sự thật; đại đa số quảng cáo về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… chủ yếu là thổi phổng sự thật, thậm chí lừa đảo, đối trá để móc tiền  người bệnh - trong đó có không ít người là đối tượng nghèo khó bần cùng.

Gần đây trên mạng xã hội còn tỉ tỉ cái gọi là hỗ trợ làm kinh tế, dạy cách làm giàu như bán số lô đề, cho vay tài chính ưu đãi hay tổ chức mạng “ma trận làm giàu”…Những tuyên truyền viên, cộn tác viên của các tổ chức này có trình độ “hót” đến siêu đẳng. Biến cái vô lý thành có lý nên không ít khổ chủ đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 Lũ “chim mồi” này mới thực sự là táng tận lương tâm!.

Đã hiểu ra thâm ý của lão Mõ, lão Ngưu bực bõ tán thưởng:

- Ừ phải, hóa ra con người được tiếng là thông minh - biểu tượng của chữ “nhân”, nhưng đâu đó vẫn có kẻ hám lợi mà tiếp tay, lừa đảo đến mức phi nhân tính!.  

* Ảnh minh họa từ mạng Internet.

                                                                                                       C.M

14 tháng 8 2022


Phiếm luận:

                     
 
LÃO MÕ ĐÃ ĐƯỢC RA KHỎI HÀNG YÊU QUÁI

Ảnh minh họa từ Internet
Suốt mấy tháng dịch Cô-vít (COVID-19) lên đến đỉnh. Làng trên, xóm dưới đều treo biển, căng dây kín mít - những ngày ấy con cô-vít không khác gì một giống ma cà rồng, gây ám ảnh cho cả làng, cả xã. Vậy mà lão Mõ được chỉ định làm tổ trưởng chống cô-vít, vừa trực tiếp đi phát quyết định cách ly, vừa tham gia khử trùng, hướng dẫn cho người bệnh cách tự xử lý triệu chứng ở tại nhà…mà Lão vẫn không có hề hấn gì cả.

Bởi vậy, người nghiêm túc thì bảo Lão là kiên cường, là dũng sĩ…còn những người vui tính lại bảo,  chắc lão là yêu quái nên Cô-vít nó mới không làm gì được!. Mà dù họ gắn cho cái danh hiệu gì thì lão cũng thấy vui, vui là vì không chỉ con cô-vít kiêng nể mà thiên hạ cũng có phần thán phục.

Thế rồi cái bóng ma Cô-vít cũng lùi dần, mọi người bắt đầu không còn thấy sợ nó như ban đầu nữa. Ở chỗ đông, người ta cũng lác đác bỏ khẩu trang, hoặc nếu có thì cũng chỉ mang hình thức. Như kiểu khi đi đường thì đeo mà lúc đến hội họp thì lại tụt nó xuống cằm cho dễ thở và dễ bề tâm sự. Các loại tiệc tùng, đình đám cũng dần dần trở nên sôi động. Bao nhiêu đôi trai gái yêu nhau mà phải nín nhịn, chờ cho qua dịch, nay được dịp cùng nổ ra đám cưới, cứ gọi là, cho “mặn rầy, bõ nhạt ngày xưa”!. Làng trên xóm dưới lại tưng bừng đám xá; các cuộc giao lưu ăn nhậu cũng không ngừng được mở rộng. Người ta nghĩ ra đủ lý do để tụ tập, mà khi đã ăn nhậu thì làm gì còn giữ được “ 2 K” chứ nói gì đến “5K” như trước nữa.

Rồi đến một ngày nọ, lão Mõ cũng thấy mình có triệu chứng, nhưng Lão không ngờ, vừa tét một cái nó đã cho lên 2 vạch. Thế mới biết, chủ quan khinh địch là thất bại, nhất là kẻ địch lại vô hình như chị chàng Cô-vít!.

Biết làm sao, Lão đành tự động viên mình, thế là ta cũng đã được khai trừ ra khỏi hàng “yêu quái”!.

                                                                                      C.M

06 tháng 5 2022

 

Phiếm luận:

ĐỘT PHÁ LÀM KINH TẾ

          Từ ngày về hưu, hai lão Mõ - Ngưu thỉnh thoảng cũng nổi hứng bàn chuyện chính trị, chuyện kinh tế  - xã hội. Hôm nay có thêm tí tửu nên hai lão bàn luận khá rôm rả. Các lão chê cách làm ăn của dân xóm Cây Gạo này là kém hiệu quả, rồi nêu lên cả giải pháp căn cơ để khắc phục. Ấy cũng coi như là trách nhiệm công dân, đáng được biểu dương, khích lệ!.

Nói về về những thất bại trong sách lược kinh tế, lão Ngưu phán:

          - Cái xóm mình lâu nay chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Chăn nuôi thì hết cúm gia cầm lại lở mồm long móng; rồi tả lợn Châu Phi; rồi trắm, chép, rô phi chết dịch…Trồng trọt thì cứ mãi cái điệp khúc được mùa mất giá, được giá lại mất mùa; chán trồng lại chặt, chắt hết lại trồng. Chả biết đến bao giờ mới khá lên được!.

          Thấy ông bạn già ca cẩm, lão Mõ ra chiều am hiểu mới chém gió:

          - Ấy là tại không biết tính toán nó mới thế. Người ta muốn làm ăn hiệu quả thì phải biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi. Chứ cứ nuôi, trồng ào ào theo phong trào thì làm gì chả thất bại.

          - Vậy cái sách lược “nuôi trồng” của Lão có kinh nghiệm hay thì phổ biến đi cho bà con nhờ - lão Ngưu dục.

          - Là phải lựa chọn cây trồng “mũi nhọn”, vật nuôi “mũi nhọn” và xây dựng “điểm sáng” điển hình, nhân ra diện rộng …

          Lão Mõ còn chưa nói xong thì lão Ngưu đã chộp ngay ý tưởng, rồi tuôn ra một tràng giải pháp khả thi:

          - Hì, hì! Thế thì đây biết rồi. Đúng là phải có mũi nhọn, có điểm sáng mới được lão nhẩy. Tớ thấy, con mũi nhọn thì cứ nuôi giống chuột chũi là dễ nhất, giống này chả phải tìm đâu xa, cứ đào cống nước thải của xóm mà bắt, có mà vô thiên lủng; còn cây mũi nhọn thì trồng măng, muốn nhiều mũi nhọn nữa thì trồng mít, trồng sầu riêng phải không?. Làm được thế, chắc điểm sáng của xóm ta có mà rực rỡ như cả một trời sao…!

          Lão Ngưu thường biết cách “nhảy vào mồm” người khác như thế. Và lần này cũng vậy, lão Mõ chỉ chỉ biết há hốc miệng mà “thán phục” ông bạn già ít học, chả còn biết tranh cãi thế nào cho rõ nhẽ!.

                                                                                                   C.M

         

13 tháng 3 2022

Phiếm luận:

BÂY GIỜ HỌ TÀI THẬT

          Mấy ngày mưa - rét không gặp nhau, sáng nay trời hửng ấm nên hai lão Ngưu, Mõ mới có dịp để hàn huyên. Vừa tợp xong ngụm nước chè, lão Ngưu chém gió:

          - Thời hiện đại khoa học nó phát triển đến thế là cùng. Mấy bữa nay trên đài liên tục quảng cáo là sơn tàu biển, rồi phân bón miền Nam cũng là thực phẩm tuốt. Đúng là cái gỉ gì gi cũng chén được thì còn gì mà lo bị đói.

          Lão Mõ tròn mắt nghe, xong mới cự lại:

          - Bố chỉ nói phét, những thứ ấy thì đến mẻ cũng chịu, chứ làm sao mà nuốt được?.

          - Ông không tin hả, đây nói có sách, mách có chứng hẳn hoi nhé - rồi lão Ngưu mở cái điện thoại “cùi bắp”,  nhưng cũng có chức năng ghi âm. Tìm một đoạn mới ghi bật lên. Tiếng phát thanh viên rành rọt, với cả một đoạn quảng cáo về sơn Hải Phòng, cuối cùng chốt một câu chắc nịch: “...Thực phẩm này không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh!”. Nghe xong lão Ngưu hỏi lại:

- Đấy, lão đã tin chửa?.

          - Ừ, đúng là tiếng phát thanh viên của đài VOV thật, họ đang quảng cáo, mà đoạn cuối nói về Sơn Hải Phòng còn khẳng định như thế thì đích thị nó là thực phẩm thật! - Lão Mõ lầm bẩm.

Lão Ngưu nói thêm:

          - Hôm trước tôi còn nghe được quảng cáo về phân bón miền Nam, đoạn kết cũng nói y chang như vậy.

          Cả hai lão nhìn nhau tặc lưỡi, rồi cùng buột miệng đồng thanh:

          - Bây giờ họ tài thật!

                                                                                               C.M

         

20 tháng 2 2022

Phiếm luận:

 

NHỚ LỜI PHẬT DẠY

            Đang buồn thối ruột vì bản tin COVID cứ tăng vọt mỗi ngày thì lão Ngưu ngất ngưởng sang chơi, Lão hí hửng bảo:

          - Này ông bạn, có cách kiếm tiền rồi nhé…

          Như bừng tỉnh, lão Mõ vội cắt lời:

          - Đang dịch dã thế này mà kiếm tiền cách nào?

          - Dễ ợt, chả có ảnh hưởng đến cô vít, cô vi gì, ông có làm không tôi mách.

          Rồi hai lão - một hỏi, một giải thích, dần dà dẫn đến tranh luận:

          - Thì lão nói đi, cách gì?

          - Là đầu tư mua cổ phiếu Sờ-kai-uây (Skyway)!

          - Lạy bố, lại cái trò lừa đảo “đa cấp” xuyên quốc gia chứ gì!.

         - Sao lại là lừa, đầu tư theo công nghệ “Bốn chấm không” hẳn hoi đấy, hiện đại lắm. Người ta bảo cứ đầu tư, chỉ một vài năm nữa là một vốn, bốn lời!.

          Đến đây thì lão Mõ đã hiểu, lão dằn từng tiếng:

         - Người Việt ta có câu: “Ngày mai ăn phở không mất tiền”. Ấy là chỉ một ngày thôi đã khó tin rồi, hơi đâu mà đợi đến mấy năm. Đầu tư để thành triệu phú đô la mà  ngon đến thế thì đâu đến lượt mình; con chuột nó chết vì cạm cũng là bởi ham mồi ngon đấy bố ạ. Chả biết “bốn chấm không” hay là bỏ ra “bốn” để rồi mất cả vốn lẫn lời.

        Nghe đâu cái dự án ấy còn đang năm trên giấy mà đã cãi nhau như mổ bò rồi. Ở Việt Nam mình tìm đâu ra cơ quan đại diện, mà cũng đã có phép tắc gì của Nhà nước cấp đâu. Vậy thì lấy niềm tin mà bảo lãnh hử?.

         Thôi thì bố cứ việc mà đi làm triệu phú, Mõ này nghỉ hưu rồi, xin nhớ lời Phật dạy: “Tri túc tâm thường lạc”!.

        Đến đây thì mặt lão Ngưu mới thộn ra, lão muôn tặc lưỡi một cái mà cái lưỡi cứ cứng đơ như lưỡi hái. 

                                                                                     C.M

17 tháng 2 2022

CÀI BÀN PHÍM GÕ TIẾNG VIỆT TRÊN ĐIỆN THOẠI

    Khi ta nhận tin nhắn trên điện thoại, thường có một số tin do người gửi không đánh được phông chữ tiếng Việt nên rất khó đọc, chữ nọ xọ chữ kia sinh ra hiểu lầm thật tai hại. Đó là vì một số điện thoại mặc định không có phông tiếng Việt, nên không đánh được dấu (thanh). 
    Vậy muốn cài đặt để gõ được phông chữ tiếng Việt (có dấu) thì phải làm gì. Xin chia sẻ một cách đơn giản nhất, là cài đặt thêm ứng dụng bàn phím Laban key. Cách làm như sau: 

    1. Đầu tiên là vào ứng dụng CH Play, gõ tìm kiếm Laban key tải về và cài đặt.
    2. Cài đặt xong, mở ứng dụng, nhấn vào dòng chữ “SỬ DỤNG NGAY” ở cuối màn hình. 
    3. Màn hình chính sẽ chuyển sang “Quản lý bàn phím”, chọn vào mở: Laban key. Và chọn tiếp kích hoạt. 
     4. Sau cùng, quay trở lại màn hình chính, tìm đến ứng dụng Laban key bật lên, giao diện hiện lên bàn phím mắc định, chọn tiếp vào dòng Laban key, rồi thoát về màn hình chính.

              Bây giờ chúng ta đã có thể gõ được phông chữ Việt bình thường. 

              Chúc mọi người thành công để khỏi bị “Chữ tác thành chữ tộ”!


              Tuần tự làm như trong các hình sau:

1   2

   34

 56

7

















08 tháng 9 2021

Phiếm luận: CÔNG NGHỆ “TÂN CỔ GIAO DUYÊN”

Nghe đến chuyện “số hóa” mọi thủ tục hành chính thì ai chẳng mừng. Vì nó đơn giản, đỡ mất thời gian lại quản lý tốt hồ sơ lưu trữ…

Nhưng với lão Ngưu thì chưa kịp làm được gì ở cái “số hóa” đã thấy rối rít như canh hẹ. Lão đi đến đâu cũng thấy mấy anh chị cán bộ dán mắt vào màn hình máy tính, mà cung cách làm việc vẫn chả khác là bao. Thậm chí có lúc còn lằng nhằng hơn kiểu cũ.

Thấy lão phàn nàn, thằng cháu ngoại bảo:

- Tại ông chưa có điện thoại thông minh thì làm sao mà thực hiện “số hóa” được!.

- Thế hả? - lão sáng mắt - Vậy thì mai ông cũng sắm cái điện thoại thông minh chứ sợ gì!

Hôm sau, lão mua hẳn cái Iphone mới coóng, nhờ thằng cháu cài cho mấy cái ứng dụng phần mềm. Nó bảo, ông nghỉ hưu rồi, sức khỏe là quan trọng nhất, cháu cài cho ông mấy cái phần mềm bảo vệ sức khỏe trước. Xong, nó chỉ cho đây là Bờ-Lu-Dôn để ông khai báo y tế mỗi khi đi họp này; còn đây là phần mềm Bảo hiểm Y tế để đi khám bệnh, không phải mang các thứ giấy tờ, sổ khám bệnh như trước nữa…

Ảnh: Minh họa từ Internet
- Ô, thế thì hay quá, ai bảo “số hóa” là không tiện!

Ngay hôm sau đi hội nghị các cụ, lão đến chỗ khai báo y tế, bảo:

- Tôi có Bờ-Lu-Dôn rồi, chỉ quét mã thôi nhỉ?

Chị cán bộ kiểm tra sức khỏe vui vẻ:

- Vâng cụ quyét mã QR đi ạ!

Lóng ngóng mãi lão mới dí được màn hình điện thoại vào trước cái mã vạch, mà đợi chả có thấy nó kêu “tít” như làm thử ở nhà!.

Chị cán bộ y tế ngó vào màn hình:

- Cụ không có 4G à?

- Sao phải 4G, ở nhà lão vẫn dùng Wifi mà ở đây cũng có sóng Wifi căng đét đây mà?

Chị ta cười, giải thích:

- Nhưng mà họ cài mật khẩu rồi, không vào được cụ ạ!

- Vậy thì chị cho tôi cái mật khẩu đi!

          - Dạ, cháu cũng không biết, chỉ bộ phận quản lý công nghệ thông tin họ mới biết mật khẩu thôi ạ!.

Dù đã thấy bừng bực, nhưng lão đành nói:

- Thôi, thì chị cho tôi khai bằng giấy đi vậy!

Hôm sau đi khám bệnh, lão lại khấp khởi mừng, chắc là khỏi phải mang sổ khám bệnh, thẻ Bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân nữa, tiện thật. Nhưng đến phòng khám lão mới ngã ngửa. Chị y tá bảo, cụ không mang sổ khám bệnh thì tìm đâu ra số hồ sơ, với lại còn có cái mà kẹp đơn thuốc chứ. Sau khi lật đật quay về lấy được sổ khám bệnh thì lão lại bị bắt lỗi là thiếu chứng minh thư với thẻ bảo hiển y tế.

Lão nhăn nhó:

- Sao bảo bây giờ có phần mềm “số hóa” rồi, chỉ cần mang điện thoại có cài ứng dụng là khám được?

- Vâng - chị y tá lại giải thích - đúng là như vậy, nhưng  có phải người bệnh nào cũng có 4G đâu, mà ở đây sóng Wifi vừa yếu, vừa không có mật khẩu nên không vào được mạng.

- Trời! - mặt lão Ngưu nhăn lại như táo bón - thế là mất bố nó nửa ngày mà không khám được bệnh

 Bước ra khỏi phòng khám, lão lầu bầu mà hình như chỉ để mình nghe được:

 -  Số với má cái con khỉ, công nghệ cái kiểu “Tân -cổ giao duyên” thế này thì có mà trở về thời “không chấm bốn”!.

       
                                                                                      
C.M 

20 tháng 6 2021

CHUYỆN TÔI LÀM BÁO

Một kỷ niệm khó quên, xin được kể lại nhân kỷ niệm
ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam 

        Giữa thập kỷ 70 - vừa tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp thì tôi được điều về công tác ở một huyện vùng thấp của tỉnh miền núi. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, chỉ sau một thười gian đã được bầu giữ chức vụ phó bí thư chi đoàn Hành chính; Ủy viên BCH công đoàn cơ sở, phụ trách văn-thể và được xếp vào đối tượng phát triển Đảng của chi bộ. Do có một chút năng khiếu viết-vẽ nên còn được trực tiếp là “Tổng biên tập” tờ báo tường của Công đoàn. Phương ngôn có câu “Sinh nghề tử nghệ” - tuy không hoàn toàn đúng với tôi. Nhưng cũng vì tình yêu với nghề báo mà tôi đã gặp những rắc rối để đời – phải chăng đấy lại là lý do để tôi có quyết tâm trở lại với nghề báo sau này. 

          Ngày ấy dù chưa biết gì về báo-chí, nhưng tôi đã học cách viết tin, viết bài và cách trình bày tờ báo tường do mình phụ trách theo kiểu “mực hệt” từ mô típ của báo Tiền Phong, Báo Lao Động… Vì thế nên cũng được các anh, chị và các bạn trong cơ quan trầm trồ tán thưởng. Điều ấy càng tạo cho tôi cảm hứng, tập tọe viết tin, viết bài gửi cho đài truyền thanh Huyện. Thỉnh thoảng còn gửi tin và được báo tỉnh, đài tỉnh sử dụng. Mỗi lần nhận được tờ báo biếu có đăng hoặc được nghe giọng phát thanh viên đọc tin của mình viết là tôi mừng như mừng mẹ về chợ.

Ảnh minh họa (Từ Internet)

          Những năm đó đời sống của cán bộ, công chức, viên chức còn hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ bao cấp. Mọi bảo đảm đều thể hiện qua các tờ tem, phiếu. Đời sống tuy kham khổ, nhưng vì ai cũng như ai nên mọi người vẫn cảm thấy bình thường. Thậm chí còn có cảm giác yên tâm, vì đã được nhà nước lo cho tất cả. Nói vậy, nhưng cũng không hẳn ở thời kỳ này không có vấn đề, mà theo cách gọi ngày nay là tiêu cực. Bởi hàng hóa thường khan hiếm, cho nên dù có tem phiếu nhưng các đối tượng thụ hưởng vẫn không ít lần phải nhận hàng phân phối chậm, thậm chí tem phiếu thịt, đường bị tồn ứ tới hàng quý mà vẫn không có hàng. Cầm chịch cho công việc phân phối lúc này đều tập trung vào mấy ngành như thương nghiệp, lương thực, thực phẩm...Vì vậy, đôi khi họ cũng tỏ thái độ quan liêu, cửa quyền gây nên những bức xúc cho công chúng. Để chống lại hành vi tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, nhân viên nhà nước, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích báo chí vào cuộc, phê phán những hiện tượng thiếu trách nhiệm, thiếu công bằng. Khẩu hiệu “Không sợ ít, chỉ sợ không công bằng; không sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không yên” được trương lên ở nhiều nơi. Nhưng không phải ở đâu và lúc nào cũng được người ta thực hiện như khẩu hiệu.

          Năm ấy, suốt từ đầu năm cho đến cuối tháng 6 trên địa bàn huyện không hề có đường bán phân phối theo tem phiếu. Mãi tới đầu tháng 7, đúng vào dịp nghỉ hè thì cửa hàng thực phẩm thông báo: “Đã có đường bán theo chế độ cho cán bộ, CNVC”, nhưng hạn phân phối chỉ thực hiện trong 3 ngày. Quy định như vậy, với điều kiện thông tin như ngày nay đã là khó, vì việc bán hàng cung cấp chỉ thực hiện ở cửa hàng thương nghiệp trung tâm huyện lỵ. Trong khi phương tiện thông tin cũng chưa thuận tiện như bây giờ; giao thông càng khó khăn - chưa kể các thôn bản vùng sâu thì còn có tới 30% trung tâm xã lên huyện vẫn chỉ là đi bộ. Thông báo bán hàng lại rơi vào dịp nghỉ hè nên nhiều giáo viên không nắm được thông tin, đành phải bỏ cả nửa năm tem phiếu. Bức xúc thay cho những người phải chịu thiệt thòi, tôi đã viết một bài phản ánh, nói lên sự bất công về cung cách phân phối hàng của cửa hàng thương nghiệp huyện, gửi cho báo Lao Động. Vì nghĩ rằng việc viết báo là bình thường trong quyền tự do báo chí của công dân, mặt khác những phản ánh của mình cũng hoàn toàn là sự thật. Ngại ra bưu điện nên tôi gửi luôn bài viết qua hòm thư công văn của cơ quan. Nhưng không ngờ bài báo không những không được gửi đi mà bị một vị có chức sắc lấy nộp cho ông quyền chủ tịch huyện, với lý do: “xem cậu này nó viết cái gì”.

          Sau đó, giữa vị cán bộ văn phòng và ông quyền chủ tịch (với vai vế là bí thư đảng đoàn chính quyền) đã bóc bài báo ra đọc. Họ thống nhất với nhau rằng, bài báo viết về tiêu cực của địa phương mà chưa thông qua lãnh đạo đã tự tiện gửi cho báo Trung ương. Như vậy không chỉ là nói xấu ngành cung cấp mà còn bôi nhọ sự lãnh đạo của địa phương. Rồi cứ thuận với cái lý “nâng quan điểm” như vậy, hai vị lãnh đạo này mang bài báo ra mổ xẻ, gạch chân, đánh dấu chấm hỏi (?) bằng bút đỏ ở nhiều đoạn.

          Là một cán bộ trẻ vừa mới ra trường, công tác chưa bao lâu nên tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Sự việc không biết sẽ bị đẩy lên đến mức nào, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Ban chấp hành công đoàn.

          Với tư cách quyền chủ tịch, kiêm bí thư đảng đoàn chính quyền- ông Nguyễn Công D. đã chỉ thị cho Ban chấp hành công đoàn đưa tôi ra để kiểm điểm về hành vi thiếu ý thức tổ chức, đưa những thông tin tiêu cực lên báo mà chưa được phép của lãnh đạo. Ban chấp hành công đoàn cơ sở được triệu tập - tuy nhiên, thay vì việc kiểm điểm thì đồng chí thư ký công đoàn sau khi xem nội dung bài viết, đã khẳng định đây là một phản ánh hoàn toàn đúng sự thật, không có gì là bêu xấu địa phương hay làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo. Rồi tập thể BCH công đoàn cơ sở đã nhất trí chuyển nội dung bài báo cho phòng thương nghiệp (Cơ quan quản lý các hoạt động thương mại và các đơn vị cung cấp nhu yếu phẩm của địa phương lúc bấy giờ).

          Điều đáng mừng là, sau khi xem công văn trao đổi của Công đoàn cơ sở UBND huyện có kèm theo bài báo, ông trưởng phòng thương nghiệp không những không bao che cho hành vi cửa quyền của cấp dưới mà còn hoan nghênh bài báo. Đồng thời xác nhận toàn bộ việc làm của cửa hàng thực phẩm là quan liêu, cửa quyền và yêu cầu phải giải quyết ngay toàn bộ những tem phiếu tồn đọng, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công nhân, viên chức.

          Thế mới biết, không phải người lãnh đạo nào cũng có con mắt khách quan và giám nhìn thẳng vào sự thật, biết tôn trọng quyền tự do công luận như pháp luật đã quy định.

                                                                                                   Mạnh Nguyên 

10 tháng 6 2021

VÌ TIỀN?

(Hát xẩm)

Tiền vui, tiền khóc, tiền cười

Tiền nuôi tình cảm cho người ta yêu.
Vì tiền có lúc nói điêu
Để cho cửa nát nhà xiêu - Vì tiền!.
Họ hàng kẻ dưới người trên
Lộn tùng phèo bởi tranh tiền choảng nhau.
Anh em đốt trước đốt sau
Bỗng dưng xung đột vì đâu-Vì tiền!
Hai nhà sát vách, kề bên
Hằm hè móc xới, bới lên -Vì tiền!.
Tiếng đồn cha mẹ anh hiền
Tự nhiên cay độc? - Vì tiền mà ra.
Nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca…
Vì tiền bỗng chốc hóa ra “nghệ lừa”
Đóng thuê quảng cáo nói bừa
Vẽ đen ra trắng, nói trưa thành chiều.
Có tiền ghét cũng thành yêu,
Không tiền sinh sự đặt điều trái ngang.
Tiền còn bán chức, mua quan
Bất tài bỗng chốc sánh hàng khôi nguyên.
Đồng tiền biến cú thành tiên;
Kẻ tham điên đảo, người hiền u mê.
Ấy là nghiện bạc, say đề
Khuynh gia bại sản ra đê cắm lều.
Vì tiền còn biết bao nhiêu
Oan khiên, cay đắng khôn kêu thấu trời!
Đồng tiền chẳng nói nên lời
Cho nên tiền phải một đời chịu oan!?
                                   C.M

06 tháng 6 2021

LẠI BÀN VỀ HỌC THUYẾT “CHÍNH DANH”

 
    Chuyện xưa lại kể rằng, bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) là một phụ nữ con nhà gia giáo, văn chương nổi danh và cũng đã có nhiều áng văn thơ để đời cho hậu thế. Ở dưới thời phong kiến thì đó thực là chuyện hiếm.
 
    Chồng bà - ông Huyện Thanh Quan (tên thật là Lưu Nghị, làm quan dưới thời vua Minh Mạng) cũng là một ông quan nổi tiếng thanh liêm. Dịp đó ở biên thùy có nạn giặc ngoại bang quấy nhiễu. Lệnh vua ban, quan Huyện phải cầm quân lên biên thùy dẹp giặc.
Quan quân thời Nhà Nguyễn (Ảnh T.L từ Internet)
 Vì tin vợ là người học cao, hiểu rộng nên ông Huyện đã giao luôn cho vợ giữ việc “nhiếp chính” thay mình. 
     Một hôm bà Huyện nhận được tờ đơn của một thiếu phụ, xưng là vợ lính. Chị ta trình bày rằng, chồng đi lính đã nhiều năm nay bặt vô âm tín, chẳng biết sống chết ra sao. Phận con gái “hoa nở có thì”, chị ta muốn xin quan được miễn tình thủ tiết để đi lấy chồng khác. Vì cũng là phận nữ nhi, lại không chuyên làm chính trị, nên bà Huyện động lòng trắc ẩn, mà hạ bút phê rằng: “Cho phép đi lấy chồng…”. 
    Ai ngờ vài năm sau, khi chiến sự vãn hồi, anh lính nọ không chết mà được thoái lính về quê. Về đến nhà anh ta mới ngã ngửa là vợ đã đi lấy chồng khác, mà việc đó lại do chính huyện quan cho phép. Bực tức trước sự bất công của nhà quan, anh lính liền đâm đơn kiện lên quan phủ. 
    Nhận đơn, quan phủ cho thanh tra và kết quả là đúng như đơn kiện. Vì vậy, ngài đã xuống lệnh cách chức ông huyện Thanh Quan, vì đã giao cho người nhiếp chính không hiểu việc nước mà làm sai!(1). 
    Ấy là chuyện của thời xưa, nay ngẫm lại thấy cũng không hiếm chuyện đời na ná. Đơn cử như việc làm từ thiện trong thời gian qua, mỗi khi đất nước gặp biến cố thảm họa, mặc dù đã có không biết bao nhiêu cơ quan, đoàn thể được giao làm công việc cứu trợ nhân đạo. Vậy mà vẫn có không ít người dựa vào uy tín cá nhân, cũng đứng ra huy động quyên góp, với danh nghĩa làm từ thiện. Tuy nhiên, do không chuyên nghiệp nên kết quả là có nhiều trường hợp cứu trợ chẳng kịp thời hoặc đưa vật chất cứu trợ đến không đúng địa chỉ, dẫn đến lãng phí và phản cảm. Hậu quả để lại biết bao nhiêu “tiếng bấc, tiếng chì”. 
    Ngẫm ra, thuyết Chính danh của Khổng Tử dù đã trải qua mấy ngàn năm mà vẫn còn nguyên giá trị. Theo Không Tử, “chính danh” có nghĩa là “danh nào, thì phận ấy”; “danh có chính thì ngôn mới thuận”. 
    Ở đời có khi cố làm việc tốt, nhưng làm không đúng lúc, đúng nơi; không đúng với phận sự của mình thì lại trở thành kẻ “bao đầu”. Mất công sức mà không đem lại tiếng thơm, thậm chí còn là những thị phi, tai tiếng. 

                                                                                                    C.M
         * (1) Câu chuyện có thể là hư cấu, theo dân gian truyền miệng.

29 tháng 5 2021

 Phiếm luận:

ÚM BA LA MAI TA CÙNG PHẤT

Quán mụ Béo ở đầu làng đón đúng hướng gió nồm nam nên cứ là mát như có quạt máy. Bởi vậy, trưa nào Lang Rận và kép Tư Nhãi cũng lân la ra hóng gió và nhâm nhi vài chén “cuốc lủi”.

Hôm nay cũng vậy, nhưng vừa tợp vài ngụm Lang Rận đã phàn nàn:

- Thời buổi dịch dã thế này làm ăn khó quá!

Tư Nhãi cũng tỏ vẻ chán nản:

- Đúng thế, nhưng nghề làm thuốc của ông còn lộp độp bữa đực bữa cái, chứ cái nghiệp kép hài của tôi thì  đúng là ế xưng ế xỉa.

Ảnh: Internet (chỉ có mục đích minh họa)
Thấy hai gã bộc bạch nỗi niềm, mụ Béo chen vào:

- Sao các thầy không tìm cách mà quảng cáo…

Mụ Béo chưa nói hết thì Lang Rận đã cắt lời:

- Đang rã họng ra đây, lấy tiền đâu mà thuê quảng cáo!

Mụ Béo phẩy tay:

- Đúng là lão cả tẩm, phải lấy mỡ nó mà rán nó chứ!

Cả Lang Rận và kép Tư Nhãi còn đang thộn mặt ra, chưa hiểu mụ Béo có kế sách gì thì Mụ đã cắt nghĩa rành rọt, đúng như một nhà kinh doanh thứ thiệt. Mụ bảo:

- Để có kinh phí, các thầy phải làm việc thiện, làm việc thiện bây giờ là “mốt” đấy. Mà với cái danh thầy lang và nghệ sĩ thì các thầy có cơ hô hào quyên góp quá đi chứ. Cứ lập trang Fanpage mà kêu. Thế là một công đôi việc, vừa nhận được tiền của các mạnh thường quân vào tài khoản, vừa nổi tiếng để quảng cáo cho thương hiệu của mình.

Kép Tư Nhã vẫn tỏ vẻ lăn tăn, gã rụt rè:

- Nhưng như vậy có “chính danh” không nhỉ. Làm từ thiện thì đã có các hội, đoàn chuyên nghiệp, mình ngoại đạo mà đi hô hào thấy nó sao sao ấy.

Lang Rận trừng mắt:

- Ngu!, chính danh với chính diếc cái gì. Vừa rồi chẳng có ối các ông nọ bà kia đi kêu, nhoảng một cái đã thu hàng chục tỉ, mà họ có chuyển cho địa chỉ nào đâu, ghim ở tài khoản, mỗi tháng tính sơ cũng có hàng chục triệu tiền lãi, lại còn nổi tiếng là làm việc thiện. Thôi bỏ bố nó cái thuyết chính danh đi cho tôi nhờ!. Mai ta lập Fanpage chung, cùng kêu gọi.

Nhấp thêm ngụm cuốc lủi, Tư Nhãi gật gù:

- Ừ, thì “Úm ba la, mai ta cùng phất” nhé!

Rồi hai gã khoác vai nhau cười ngặt nghẹo, đảo bốn cái chân theo nhịp “vắt sổ”, đứng lên:

- Cảm ơn mụ Béo!.

                                                                                 C.M                                                                                          

27 tháng 4 2021

 Phiếm luận

SẾP LÀ VẬY?


Lão Ngưu về hưu đã được mấy năm rồi. Cứ tưởng hưu là hết, khỏi phải bận tâm với bài vở, sách ốc, vậy mà gần đây cử thấy rộn lên là thi tìm hiểu đủ thứ. Hết là COVID, COVI nay lại đến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội… Ừ thì thi, sợ gì!. Lần trước mấy đứa đưa tờ giấy trắc nghiệm, lão chẳng gạch ào mấy cái là xong, cứ đưa đây lão chấp hết!.
Nhưng lão Mõ lại bảo:
- Lần này khác, là thi trắc nghiệm trên phần mềm máy tính và điện thoại thông minh, không làm trên giấy đâu bố ạ!
Lão Ngưu tròn mắt:
- Làm trên máy là sao?
- Là làm bài thi trắc nghiệm trên phần mềm, đăng nhập qua máy tính hoặc điện thoại thông minh để làm bài!
Lão Ngưu gãi đầu:
- Thế thì tớ chịu, cứ nói đến cái món máy móc là hoa cả mắt!
Lão Mõ ngạc nhiên hỏi:
- Sao bảo hồi còn công tác, Lão là sếp, được trang bị hẳn một laptop xịn cơ mà!
- Ừ thì vậy, nhưng có bao giờ mình phải làm văn bản với khai thác phần mềm trên máy đâu. Những thứ ấy đã có nhân viên nó làm tuốt tuột, xong cái là chỉ việc ký.
- Vậy thì máy để làm gì? – lão Mõ lại hỏi.
Lão Ngưu phẩy tay:
- Để cho nó oách, lão không biết thời đó người ta bảo: “Không laptop thì bất thành thủ trưởng” à?. Còn rỗi thì chơi game, nghe nhạc, xem phim…Có ối thứ giải trí, chứ khai thác phần mềm với phần cứng làm gì cho mệt.
Lão Mõ ngẩn người, lẩm bẩm:
- Thì ra… Sếp của một thời là vậy!
C.M

24 tháng 11 2020

Phiếm luận: DU LỊCH KIỂU “TRẠNG LỘT”

 


          Mấy cụ hưu có thời gian rảnh rỗi rủ nhau đi du lịch. Họ bàn tính mãi, đi xa thì sợ sức khỏe không bảo đảm, mà đi gần thì không biết có gì hay không. Đang tranh cãi để chọn địa điểm đi cho thuận thì lão Ngưu ngồi gật gù mãi hàng ghế cuối bừng cơn ngủ gật, đứng phắt dậy lên tiếng:

          Các bố, các mẹ cứ bàn xa xôi làm gì cho mệt. Ở quê mình cũng nổi lên ối cái du lịch sinh thái hay đáo để. Sao ta không “Trâu ta gặm cỏ đồng ta cho nó khỏe”. Nghe có lý, mọi người đồng thanh nhất trí.

          Lão Mõ ra vẻ đi nhiều, hiểu rộng nên nhanh nhẹn đề xuất:

          - Tôi thấy cánh ta cứ đi khu sinh thái Thác Khỉ ở ngay xã Bản Phú huyện mình cũng được, nghe đâu nhiều đoàn đến lắm. Từ hôm khai trương đến nay, chưa kịp trương biển quảng cáo mà khách lớn, khách nhỏ cứ vào ra như mắc cửi. Chắc là đẹp lắm á!.

          Thế là cuộc bàn luận tìm nơi xả trét chóng vánh được thông qua.

          Ngay hôm sau các cụ thuê hẳn một chuyến xe hơn 50 số ghế, rồng rắn lên đường. Đoạn đường đến khu sinh thái chỉ 40 cây số, nhưng nhiều cua, xe cứ lượn như rắn bò. Thành ra chỉ nửa đoạn đường mà mấy cụ đã nôn vọt, ra cả mật xanh lẫn mật vàng. Túc tắc gần 1 giờ đoàn cũng đến được cổng “Thác Khỉ”. Các cụ dìu nhau xuống xe mà mặt mũi ai nấy đều xanh như đít nhái. Anh bảo vệ tung tẩy ra đón, chỉ dẫn cho trưởng đoàn vào lấy vé. Chưa biết xanh đỏ thế nào, nhưng mỗi vé người lớn đã mất 5 chục “K”, kèm trẻ nhỏ thì thêm 30K nữa. Lão trường đoàn chặc lưỡi:

          - Èo đắt nhỉ, chửa nhìn thấy gì đã mất bố nó nửa ngày lương hưu rồi!.

          Thông cảm với các cụ, anh Bảo vệ ghé tai cụ Tiều nói nhỏ:

          - Các cụ vào xem thôi nhé, chớ có ăn ở đây. Thức ăn của khu sinh thái này “mặn lắm”! – Hiểu ý anh bảo vệ tốt bụng, cụ Tiều nheo mắt gật gật:

          - Ừa ừa, cảm ơn cậu!.

          Trời nắng như đổ lửa, các cụ lẽo đẽo theo nhau đi ngó nghiêng lũ “Rì sọt” mà chả hiểu nó là cái nhà gì. Mặt mũi ai nấy đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại. Lão Ất càu nhàu:

          - Đi mãi chẳng thấy thác, chắc đến được thác thì các cụ thành “Tú Mỡ” hết!.

          Nhưng rồi cũng đến. Mấy lão nheo nheo mắt hỏi:

          - Đã đến thác chưa?

          - Đến rồi đó!

          Mọi người nhìn theo tay lão Ngưu thì thấy một vách đá rêu phong, nước đang ri rỉ chảy xuống. Một người trong đoàn bạn ra vẻ am hiểu, giải thích:

          - Lẽ ra phải đến vào mùa mưa cơ, bây giờ sang mùa khô rồi, thác chỉ có thế thôi các cụ ạ.

          - Vậy mà sao nhiều đoàn đến tham quan thế nhỉ? – một người hỏi.

          Anh bạn trẻ đi cạnh giải thích thêm:

          - Vì là điểm mới nên mọi người chưa biết, ai cũng muốn đến một lần cho biết cụ ạ. Cũng như cái khu sinh thái Quang Quang ấy, lúc đầu chả đông như kiến cỏ, nay vắng teo như chùa Bà Đanh, cũng chỉ vì đắt khét, nghe đâu đóng cửa rồi.

          - À, à! - Lão Mõ buột miệng – Giống đi xen “Trạng lột” nhỉ. Nhưng ngày xưa Ông Trạng ông ấy chỉ làm có một lần, thu đủ tiền trả đò rồi nghỉ, chứ mấy anh du lịch  mà cũng học kiểu “trạng lột” thì chết non, chết yểu cũng phải!.

                                                                                           Cả Mõ

26 tháng 8 2020

NGƯỜI CÓ MỘ KHI VẪN CÒN ĐANG SỐNG

                           (Chút kỷ niệm về người thầy thuốc - Thương binh Hồ Sĩ Tuyển)

                                            Hồi ký của: Mạnh Nguyên

          Một thời báo chí đã tôn vinh cho anh là người có “đôi bàn tay vàng”, đó là Hồ Sĩ Tuyển, một thương binh – một cán bộ Y tế quê gốc Nghệ An. Nhưng anh đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người ở tỉnh Lào Cai và phục vụ trên chiến trường Nam Bộ.

Tốt nghiệp y sĩ, Hồ Sĩ Tuyển tình nguyện lên công tác ở Lào Cai từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Năm 1968, khi chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất thì anh được điều động vào chiến trường. Dù vẫn khoác áo dân sự, nhưng những cán bộ y tế được điều vào B (chỉ mặt trận miền Nam hồi đó) được biên chế thành các đội phẫu, làm nhiệm vụ cữu chữa thương binh ngoài mặt trận.

Theo giai thoại của những người cùng thời thì Hồ Sĩ Tuyển là một cán bộ chuyên môn ngành y, nhưng lại rất say sưa với nghiệp văn chương. Chuyện kể rằng, khi vợ anh (Chị Nguyễn Thị Biên) sinh cháu đầu lòng đặt tên Hồ Sĩ Toại. Vì mới sinh, mẹ thiếu sữa nên cháu bé khóc suốt. Trong khu tập thể gần đó có bác sĩ Thu Lan - trưởng khoa Nhi, vì viêm họng nên cũng ho khục khặc. Khu sơ tán của bệnh viện không có điện, chỉ leo lét mấy ngọn đèn dầu, lại luôn phải sẵn sàng xuống hầm hào khi có còi báo động máy bay địch. Vậy mà Hồ Sĩ Tuyển vẫn vô tư tức cảnh ra mấy câu thơ, làm mọi người phải bật cười. Anh ứng khẩu đọc:

“Thiếu sữa mẹ Toại oe oe khóc,

Vắng hơi chồng Lan khúc khắc ho.

Xóm làng kẻ bực người lo,

Riêng bố cu Toại vẫn khò khò ngủ say!”.

Trong mấy năm chúng tôi học cùng chị Biên ở khóa Y sĩ 21 đã có chuyện không vui xảy ra. Tự nhiên mấy ngày liền không thấy chị lên lớp, nghĩ là chị ốm nên sau giờ học mấy đứa cùng tổ học tập rủ nhau đến hỏi thăm. Bước vào gian phòng trong ký túc xá le lói ánh đèn dầu, thấy chị ngồi trầm lặng, nhưng rõ ràng là chị đã khóc đỏ cả hai mắt. Gặng hỏi mãi chị mới nói:

- Chị buồn lắm, nhưng chuyện này chỉ nói để các em biết thôi, cấm được nói ra ngoài. Là anh Tuyển nhà chị đã hy sinh rồi! - Chị nói trong nấc nghẹn.

- Đã có giấy báo tử chưa mà chị biết? – một người trong chúng tôi hỏi lại.

Chị xua tay:

- Không, làm gì có báo tử, đêm qua chị nghe cái đài “Gươm thiêng Ái quốc”, trong mục “Sinh Bắc-Tử Nam” nó công bố: “Chuyên viên phẫu thuật Hồ Sĩ Tuyển, thuộc quân Bắc Cộng đã tử trận tại một trận càn ở phía tây Sài Gòn!”.

Thì ra là như vậy nên chị mới nhắc chúng tôi phải giữ kín, bởi ngày đó người ta cấm ngặt việc nghe đài địch.

Sau này, khi đã ra trường một thời gian, mỗi người chúng tôi về một nơi công tác. Một hôm, trên chuyến tàu từ thị xã Lào Cai về Bảo Thắng tôi đã tình cờ gặp anh Tuyển - tôi nhận ra anh vì nghe được câu chuyện anh đang kể cho một ai đó về những ngày bị địch bắt giam ở Sài Gòn, rồi sau chúng chuyển anh ra nhà lao Côn Đảo. Mãi tới ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, anh mới được trao trả tù binh ở bờ sông Thạch Hãn.

Chúng tôi nhận nhau là như vậy. Rồi tình hình biên giới có biến, tôi cũng vào bộ đội. Chiến tranh nổ ra, các nhân viên bệnh viện Lào Cai phải tản đi khắp nơi, chủ yếu là về Yên Bái. Riêng Hồ Sĩ Tuyển xuống bệnh viện Bảo Yên, khi chiến sự vãn hồi thì anh được điều về bệnh viện huyện Bảo Thắng. Là người có chuyên môn vững về ngoại khoa, lại được rèn luyện nhiều năm qua các chiến trường nên Hồ Sĩ Tuyển luôn là một trong những phẫu thuật viên “cầm dao chính”  ở các kíp mổ.

Được là đồng nghiệp với anh, tôi luôn cảm phục lòng yêu nghề và thái độ làm việc của Hồ Sĩ Tuyển - đó là sự tận tâm, là trách nhiệm của người thầy thuốc trước  bệnh nhân. Hồi ấy phương tiện khám, chẩn đoán bệnh đâu có được máy móc hiện đại như bây giờ. Thầy thuốc phải thăm khám bệnh chủ yếu trực tiếp bằng kinh nghiệm lâm sàng. Nhưng với Hồ Sĩ Tuyển, anh không bao giờ đưa ra quyết định khi chưa chắc chắn về chẩn đoán. Không ít trường hợp, dù đã khám đi khám lại nhiều lần, nhưng đến đêm, nằm vắt tay lên trán vẫn không thể ngủ nổi, vì chưa chắc chắn với chẩn đoán của mình. Thế là dù nửa đêm người thầy thuốc già ấy lại lọ mọ đến phòng bệnh để khám lại.

Ra khỏi bộ đội trở về cơ quan huyện, tôi và  Hồ Sĩ Tuyển được sinh hoạt cùng chi bộ, có dịp gần gũi nhau nhiều hơn. Rảnh rỗi anh thường tâm sự với tôi về những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời binh lửa. Tôi nhớ nhất là câu chuyện “Người có mộ khi vẫn còn đang sống” của anh. Anh kể:

 “Sau khi tập trung, biên chế thành các đội phẫu thuật, chúng tôi được điều vào mặt trận phía Nam. Vượt vĩ tuyến 17, ban đầu còn phục vụ ngay phía ngoài miền Trung. Rồi cứ vào sâu dần cho đến giáp Sài Gòn. Hôm ấy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đội phẫu thuật đang mổ cấp cứu thương binh trong một lán bán âm thì địch càn đến. Chúng sử dụng nhiều loại pháo, cối hạng nặng bắn cấp tập vào hậu cứ của ta. Toàn bộ khu vực đắm chìm trong khói đạn. Lúc này không thể biết ai còn, ai mất, chỉ nhớ là mình vẫn đang làm việc trong kíp mổ thì một ánh chớp lóe lên, sau đó không biết gì nữa. Khi tỉnh lại đã thấy nằm trong một bệnh viện ở Sài Gòn, toàn thân đầy thương tích. Bàn tay phải không thể cử động được, sau mới biết xương đốt bàn ngón cái đã gãy lìa, vì ăn trọn một mảnh pháo”.

Sau khi được cứu chữa và điều trị ổn định các vết thương, địch chuyển anh ra nhà lao Côn Đảo…Và được trao trả tù binh vào giữa năm 1973.

Anh nói, việc đài địch đưa tin anh đã chết ở trận càn phía Tây Sài Gòn là chưa chính xác. Vì Binh Dương là ở phía Đông Sài Gòn – hay còn gọi là chiến trường Đông Nam bộ. Tuy nhiên, chuyện đưa tin anh đã chết thì rất có thể. Vì với một trận mưa pháo như vậy mà không chết mới lạ. Song, thực tế thì chuyện lạ ấy vẫn có thể xảy ra.

Sau này, khi có dịp đi công tác và quay lại thăm vùng đất “Chiến trường xưa”, Hồ Sĩ Tuyển đã ngỡ ngàng khi thấy ở Nghĩa Trang tỉnh Bình Dương có ngôi mộ đề tên “Liệt sĩ Hồ Sĩ Tuyển, Quê Nghệ An, hy sinh ngày…”.

Thì ra, sau trận càn của địch năm ấy, số đồng đội còn sống đã quay lại làm công tác tử sĩ, nhưng những người đã hy sinh không mấy người còn nguyên vẹn. Họ đành điểm số đồng đội mất tích, chia cho mỗi người một phần thi thể gom nhặt được, chôn cất và ghi thành bia mộ, có ai mà biết được anh vẫn đang sống và bị địch bắt, giam cầm.

Tôi viết lại câu chuyện này coi như một nén tâm nhang cho người đồng nghiệp – người bạn vong niên tài hoa và đức độ, nay anh cũng đã đi về cõi vĩnh hằng!.

                                                                          Phố Lu, tháng 7 năm 2020